Chỉ với 25 m2 trồng dâu tây trên mái nhà, chàng trai Nguyễn Been Tơn (Thành phố Vinh, Nghệ An) đã kiếm được 30 triệu tiền lãi.
Nguyễn Been Tơn, 17 tuổi, là chủ nhân của khu vườn rộng 40 m2 trên ban công và tầng thượng của gia đình. Cậu bắt đầu trồng dâu tây khi mẹ cải tạo tầng thượng thành nơi trồng rau ăn cho cả gia đình vào năm 2015.
Thời gian đầu, Tơn mua hạt giống dâu từ Hà Nội, gieo ba tháng nhưng chẳng cây nào lên. Cậu nhờ người quen ở Đà Lạt mua 60 cây dâu tây giống Pháp, trồng trong khoảng diện tích 15 m2. Chưa có kinh nghiệm, Tơn lại mày mò khắp các diễn đàn trồng dâu để học hỏi cách bón phân cũng như cải tạo đất. Cậu thực hiện mô hình hữu cơ 100% không phân bón hóa học, kết hợp cùng việc sử dụng đèn led nhằm điều chỉnh các nhu cầu thích ứng của cây. Dù sau đó cây tốt lá, hoa ra nhiều nhưng chỉ có 2 quả đậu, vị chua.
Dâu tây được trồng vào mùa thu (đầu tháng 9), nếu chăm tốt thì khoảng 2 tháng thu hoạch quả liên tục. Những năm tiếp theo, Tơn vẫn trung thành với giống cây nhập từ Đà Lạt, nhưng cần gấp đôi thời gian cho quả đậu và chỉ thu hoạch được một lần. Sản lượng cũng rất ít, chỉ khoảng 1 kg cho 60 cây. Sang năm 2019, Tơn tìm hiểu các trang web của nước ngoài, nói chuyện với chuyên gia để tìm các giống tốt. Cùng năm đó, cậu quyết định nhập 100 cây con từ Nhật với giá 45.000 đồng mỗi cây.
Từ hướng dẫn của chuyên gia Nhật cộng kinh nghiệm 3 năm trồng dâu tây, Tơn tự đúc kết và tạo ra quy trình chăm cây của riêng mình.
Mùa hè cậu cải tạo đất bằng cách trộn với phân vi sinh được ủ từ rác thải nhà bếp rồi phơi trong 3 tháng, để cỏ mọc tự nhiên rồi nhổ đi, nhằm tạo độ thông thoáng và tơi xốp cho đất. Để tăng lượng vi khoáng, Tơn luộc vỏ trứng rồi lấy nước tưới cây. Cách làm này khiến lá xanh, cọng to và quả cũng ngọt hơn.
Kiến thức Hóa học trên lớp cũng được cậu học sinh lớp 11 áp dụng vào việc trồng cây. Ví dụ từng nguyên tố trong phân hữu cơ có vai trò gì, giai đoạn nào dùng nhiều loại phân đó nhất để cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cây. Thời điểm nào bón phân, thời điểm nào tưới ít hay nhiều nước cũng được Tơn ghi chép cụ thể, áp dụng cho vườn dâu nhà mình.
“Mỗi một loại phân hữu cơ em đều thử nghiệm trên một vài cây, ghi chép những thay đổi về lá, quả, độ mọng, màu sắc của quả để làm phép so sánh”, Tơn chia sẻ.
Toàn bộ 100 cây dâu giống Nhật đầu tiên cho thu hoạch 35 kg trái. “Vượt xa sức tưởng tượng của em”, Tơn nói. Không những vậy quả thu về to đẹp, mọng nước, ngọt đậm khiến ai cũng khen. Được đà thắng lợi, năm 2020, Tơn nhập thêm 250 cây với nhiều giống khác nhau, trồng trên diện tích hơn 25 m2 trên sân thượng.
Từ cuối tháng 12/2020 đến nay, Been-Tơn thu hoạch được 100 kg, loại rẻ nhất bán 380.000 đồng/kg, còn loại đắt nhất là 700.000 đồng/kg. Riêng vụ mùa này, số tiền lãi mà Tơn thu được gần 30 triệu đồng. Cậu học sinh này còn trồng được giống dâu quý màu trắng có tên Bạch Tuyết được bán theo quả, khoảng 40.000 đồng đến 60.000 đồng một quả.
Ngoài dâu tây, diện tích còn lại trên sân thượng, Tơn còn trồng một số giống cây đang “nổi” trên thị trường như mâm xôi, sung Mỹ, việt quất, xà lách, cà chua, rau chân vịt, cải cầu vồng…
Để có thời gian chăm cây cối, trên lớp Tơn ít ra chơi mà tận dụng khoảng thời gian này làm bài tập. Thay vì dành nửa ngày trên vườn dâu để quan sát, ghi chép lại những thay đổi của cây như những ngày đầu, hiện Tơn chỉ dành 2 tiếng cho vườn dâu mỗi ngày.
Thời gian buổi chiều không đi học, cậu học sinh lớp 11 còn làm bánh kem, tận dụng hoa quả tươi sạch mình trồng được tạo ra những chiếc bánh nhiều màu sắc. Tiệm bánh nhỏ tại nhà do chính Been-Tơn làm chủ mang về thu nhập từ 8-9 triệu đồng/tháng cho cậu chủ.
“Em sẽ mở rộng mô hình vườn cây sạch và bổ sung, thử nghiệm thêm một số loại cây trồng khác”, Been Tơn nói. Ước mơ sau này của chàng trai là làm nông nghiệp sạch công nghệ cao.
Trích nguồn VnExpress